TextHead TextBody
(+84-24) 3562 6246
[VeDauTrang]

Đầu tư chứng chỉ quỹ: Ngày càng 'sốt' nhờ xu hướng tích sản thời công nghệ

10/10/2024

Các quỹ đầu tư bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2003-2004. Dù xuất hiện ngay từ những năm đầu của quá trình hình thành thị trường chứng khoán, số lượng nhà đầu tư tham gia vào kênh chứng chỉ quỹ đầu tư vẫn được đánh giá là còn hạn chế so với số lượng nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường, cũng như so với dân số Việt Nam. Trong đó, một trong những lý do đến từ hạn chế của mạng lưới phân phối.

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Lê Việt Hà, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán An Bình (ABF), cho biết sự thay đổi trong kênh phân phối chứng chỉ quỹ có thể chia thành hai giai đoạn chính. Trước năm 2021, việc phân phối chủ yếu qua các công ty chứng khoán, khiến sản phẩm này chỉ tiếp cận được một lượng nhỏ các nhà đầu tư. Đến cuối năm 2020, thị trường mới ghi nhận chưa đến 200.000 tài khoản đầu tư vào các quỹ mở.

Từ năm 2021 trở lại đây, thị trường bắt đầu xuất hiện việc tham gia mới của các Fintech vào phân phối chứng chỉ quỹ, đồng thời, các ngân hàng cũng quan tâm đến việc giới thiệu khách hàng cho các công ty quản lý quỹ. Theo ông Lê Việt Hà - Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán An Bình (ABF) , động thái này đã đem lại bước ngoặt lớn, khi chỉ trong vòng 3 năm đã có thêm hơn 1 triệu tài khoản chứng chỉ quỹ mở mới. “Bước tiến quan trọng nhất mà sự phát triển của công nghệ kết hợp với sự mở rộng của các kênh phân phối là việc gia tăng sự nhận diện của các nhà đầu tư và công chúng đối với sản phẩm chứng chỉ quỹ, giúp các công ty quản lý quỹ tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều nhà đầu tư cá nhân”, ông Hà cho biết.

Với các Fintech nói riêng, sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính này trong cuộc chơi phân phối chứng chỉ quỹ đã giúp sản phẩm này chạm được đến nhiều nhà đầu tư. Theo đó, các quỹ được phân phối qua Fintech đều được báo cáo có số lượng nhà đầu tư tham gia tăng cao. Tổng giám đốc ABF kỳ vọng sự tham gia tích cực của Fintech sẽ giúp dần thay đổi thói quen của nhà đầu tư trong tương lai. Còn ở thời điểm hiện tại, dưới góc độ giá trị, quy mô chứng chỉ quỹ được phân phối qua các Fintech vẫn còn rất nhỏ. “Có vẻ như các nhà đầu tư, thông qua các Fintech mới chỉ đang thăm dò, trải nghiệm chứ chưa thực sự tin tưởng hoàn toàn và bỏ nhiều tiền vào đầu tư thông qua Fintech”, ông Lê Việt Hà nhận định.

Theo dự báo của Tổng giám đốc ABF, kênh phân phối chứng chỉ quỹ đang và sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa theo nhu cầu của thị trường, theo sự hỗ trợ phát triển từ cơ chế chính sách và các quy định của pháp luật. Theo đó, các kênh phân phối sẽ phát triển theo hướng có thể tiếp cận và phục vụ tất cả các tệp khách hàng ở nhiều thế hệ, nhưng vẫn đảm bảo được việc tiếp cận tới nhu cầu cá nhân hóa nhờ tính đa dạng và linh hoạt cao của quỹ.

Với việc đa dạng hoá và số hoá các kênh phân phối, các nhà hoạch tài chính cá nhân cho rằng khả năng tiếp cận sản phẩm chứng chỉ quỹ đang gia tăng đối với các nhà đầu tư cá nhân, từ đó tạo ra một kênh tích sản mới. Một số khảo sát đã cho thấy các nhà đầu tư đang dành sự ưu tiên lớn hơn cho kênh chứng chỉ quỹ cho mục tiêu tích sản với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn cũng như thanh khoản tốt, dễ dàng tham gia với số vốn nhỏ chỉ từ 1.000.000 đồng.

Hiệu quả mang lại từ Fintech trong khâu phân phối mới chỉ dừng lại ở việc giảm bớt sự xa lạ của chứng chỉ quỹ với số đông nhà đầu tư trong nước, tạo ra sự hiện diện nhiều hơn trên các nền tảng số, đưa chứng chỉ quỹ thành một sản phẩm có thể được quan tâm xem xét cho các khách hàng chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư và khách hàng trẻ nhưng chưa phải là kênh có thể tiếp cận được với các nhà đầu tư tiềm năng nhất. Các Fintech đang giúp đào tạo và dẫn dắt tệp khách hàng trẻ, được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước ngoặt lớn tiếp theo của ngành quản lý quỹ.

Chi tiết hơn xem tại: Tạp chí điện tử đầu tư tài chính - VietNam Finance

Kết nối với chúng tôi: